Những ngày tháng tới
Trần Trung Đạo
- Dù nói ra hay không hay dù ủng hộ ai, hầu hết người Mỹ gốc Việt khi cầm lá phiếu bầu tổng thống Mỹ đều nghĩ tới Việt Nam và hy vọng qua lá phiếu sẽ đóng góp một chút gì đó, chắc chắn là rất nhỏ, vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Hôm 9 tháng 11,
người Mỹ, qua phương pháp cử tri đoàn, đã chọn Donald Trump làm tổng thống (Bà
Hillary Clinton thắng phiếu phổ thông nhưng không tính). Sự kiện Donald Trump
là tổng thống đã tạo ra nhiều hy vọng nơi những người ủng hộ ông ta, nhưng cùng
lúc cũng tạo ra nhiều lo lắng nơi những người ủng hộ bà Hillary Clinton.
Nhắc lại, Donald
Trump ứng cử với khẩu hiệu “Make America great again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại
lần nữa). “Lần nữa” có nghĩa đã từng là một quốc gia vĩ đại trước đây nhưng
hiện nay thất bại. Khẩu hiệu này mang ý nghĩa kinh tế nhiều hơn các yếu tố văn
hóa, giáo dục.
Donald Trump
không phải là người duy nhất dùng khẩu hiệu này mà trước đây TT Ronald Reagan
cũng đã dùng để đánh bại TT Jimmy Carter khi các chính sách của ông ta đã đưa
nước Mỹ vào tình trạng thất nghiệp cao, lạm phát cao, tiền lời ngân hàng cao và
khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Đó là chưa kể vấn nạn con tin còn đang bị
giam giữ tại Iran.
Với hàm ý “lần
nữa” cho thấy Donald Trump sẽ nghiêng về chính sách bảo vệ mậu dịch
(Protectionism) như đã từng áp dụng trước Thế chiến Thứ Hai. Ông và các nhà
kinh tế biện hộ chính sách bảo vệ mậu dịch cho rằng các cường quốc kinh tế như
Trung Cộng, Nhật đã làm giàu trên sự thiệt thòi của người dân Mỹ.
Patrick Buchanan,
một nhà phân tích chính trị bảo thủ nổi tiếng đã viết trong tác phẩm Where The
Right Went Wrong: “Sự giàu có của Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ. Người tiêu
thụ Mỹ trách nhiệm cho 100% sự phát triển của Trung Quốc. Nếu hàng hóa Trung
Quốc bị loại bỏ tại Mỹ, các nhà máy tại Trung Quốc sẽ đóng cửa, nhiều triệu
người sẽ thất nghiệp, đầu tư quốc tế bị cạn kiệt và cái gọi là Trung Quốc bùng
lên sẽ thành Trung Quốc xẹp xuống”.
Chính sách bảo vệ
mậu dịch đặt quan hệ mậu dịch quốc tế cũng như giữa hai quốc gia trên cơ sở
bình đẳng nhưng không tự do. Chính phủ dùng thuế nhập cảng để bảo vệ và kích thích
kinh tế nội địa. Dĩ nhiên các nước khác cũng không để yên cho Mỹ muốn nâng thuế
nhập cảng cao thấp tùy tiện mà cũng sẽ giới hạn việc đầu tư vào Mỹ và nếu thuế
nhập cảng quá cao, họ sẽ phát động các cuộc chiến mậu dịch (trade wars) chống
lại Mỹ. Quốc gia gần nhất và sẽ dễ trở thành thù địch với Mỹ nhất là Mexico
không phải vì Donald Trump đe dọa sẽ xây bức tường ngăn hai nước mà vì tổng số
xe nhập cảng vào Mỹ qua ngã Mexico năm 2015 trị giá đến 74 tỉ đô la.
Còn quá sớm để
hiểu các chính sách kinh tế và đối ngoại của Donald Trump, trong đó rất nhiều
vấn đề ông chưa giải thích sáng tỏ. Tuy nhiên điều rõ ràng nhất ông đã đáp ứng
được cơn giận của nhiều người dân Mỹ.
Giận ai? Dĩ nhiên
là giận dữ trước các thất bại của chính quyền Barack Obama không phục hồi nền
kinh tế Mỹ đúng mức, nhân dân Mỹ đang sống trong tình trạng bất an và hệ thống
chính trị không phục vụ cho quyền lợi đích thực của người dân mà chỉ phục vụ
cho hệ thống. Donald Trump như người ngoài cuộc và người Mỹ đang cần một người
ngoài cuộc lãnh đạo họ.
Một lý do tâm lý
mà rất ít người dám công khai thừa nhận đó là yếu tố da màu. Bà Hillary Clinton
không phải là da đen nhưng bà vẫn được xem là phe cánh của Tổng thống Barack
Obama và các chính sách xã hội, giáo dục, y tế của bà chỉ là các chính sách của
TT Obama nối dài, không thay đổi trong đó có đạo luật y tế nhiều tranh cãi
Affordable Care Act (ACA).
Do đó, không ngạc
nhiên khi một Donald Trump ăn nói lung tung, không có kinh nghiệm chính phủ đã
đánh bại 16 ứng cử viên Cộng Hòa, trong đó có người giàu quỹ như Jeb Bush, giàu
kinh nghiệm như John Kasich hay tài hùng biện như Marco Rubio, một cách dễ dàng
trong bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa và cuối cùng đánh bại bà Hillary Clinton.
Trong ngày bầu cử
tổng thống vừa qua, người Mỹ biết rõ mọi thói hư tật xấu của Donald Trump nhưng
vẫn bỏ phiếu cho ông ta. Bởi vì, dù nói gì đi nữa, khi đặt lên bàn cân để cân
trước giờ bỏ phiếu, các quan tâm về an ninh, thuế má, phát triển kinh tế, màu
da nói chung là thay đổi, đã nặng hơn cá tính và tư cách của Trump.
Việc Hillary
Clinton nhắm vào tư cách hay kinh nghiệm của Donald Trump không đủ thuyết phục.
Dân chủ Mỹ là một hệ thống pháp trị chứ không phải như dân Đức bầu Hitler trước
Thế chiến Thứ hai, muốn làm gì thì làm. Nguyên tắc đối trọng (checks and
balances) giữa ba ngành được nhấn mạnh nhiều lần ngay sau khi Donald Trump đắc
cử.
Trả lời báo The
Guardian, một bà cử tri đã phát biểu “Tôi rời phòng phiếu trong nước mắt vì
tôi không thích ông Trump chút nào. Tôi rất buồn vì đã bỏ phiếu cho ông ta. Tư
cách, cá tính và việc thiếu kinh nghiệm của ông làm tôi lo lắng. Tôi ước gì có
một chọn lựa nào khác ngoài việc ném lá phiếu vào thùng rác. Tôi biết khi đi ra
nước ngoài tôi sẽ bị người ta ghét cũng do ông Trump. Tuy nhiên ông ta chỉ là
bốn năm đầu tư thôi. Tôi tin tưởng nguyên tắc đối trọng (checks and balances)
của quốc gia chúng tôi sẽ giúp ngăn chận các phán đoán vụng về của ông ta và
không làm thiệt hại đất nước quá nhiều. Hy vọng là ông Trump sẽ không làm ảnh
hưởng nhiều đến đời sống hằng ngày của tôi”.
Với một tổng
thống Mỹ không kinh nghiệm lãnh đạo chính quyền và đang cần phải học nhiều,
chưa từng công khai bày tỏ cảm tình với lý tưởng dân chủ tại các nước độc tài
như Việt Nam, nhiều người đang lo lắng những ngày tháng tới các phong trào dân
chủ tại Việt Nam sẽ rất khó khăn nếu không muốn nói là sẽ bị chính giới Mỹ bỏ
rơi. Những phong trào hay tổ chức đang chuẩn bị các đề án hoạt động trong không
gian và khuôn khổ của TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement) chắc sẽ hủy bỏ
vì Trump đã nói nhiều lần ông ta không đồng ý với TPP. Trung Cộng, ông tổ của
chủ nghĩa cơ hội, sẽ tiếp tục bành trướng trên Biển Đông mà không bị cản trở
mạnh nào. CSVN sẽ thẳng tay đàn áp các phong trào dân chủ nhưng sẽ không được
quốc tế quan tâm can thiệp v.v... và v.v...
Những lo lắng đó
đều chính đáng nhưng cũng chỉ là những điều lo lắng.
Theo truyền
thống, chính sách đối ngoại và nhân quyền của các chính phủ Mỹ dù Cộng hòa hay
Dân chủ chỉ thay đổi trong phương pháp áp dụng nhưng không thay đổi về nguyên
tắc. Nước Mỹ không chỉ là cường quốc kinh tế mà còn là cường quốc dân chủ và
các giá trị tự do nhân quyền luôn là kim chỉ nam cho các chính sách đối ngoại
của Mỹ. Tổng thống Ronald Reagan cứng rắn hơn vị tổng thống tiền nhiệm Jimmy
Carter chủ trương đàm phán nhưng cả hai đều theo đuổi lý tưởng bảo vệ nền dân
chủ và quyền lợi của Mỹ.
Bảo thủ không
đồng nghĩa với tự cô lập để rồi tự diệt. Chính phủ Donald Trump sẽ phải áp dụng
một chính sách cứng rắn, và có thể còn cứng rắn hơn cả George W. Bush và Barack
Obama để bảo vệ quyền lợi của Mỹ trên Biển Đông. Một số phụ tá thân cận của
Trump đã phê bình TT Obama không đủ cứng rắn đối với Trung Cộng.
Các nhà phân tích
cho rằng một cuộc chiến tranh mậu dịch có khả năng cao sẽ bùng nổ giữa Mỹ và
Trung Cộng. Nếu điều đó xảy ra sẽ có lợi cho các nước nhỏ trong vùng vì Trung
Cộng buộc phải thỏa hiệp để tập trung cứu vãn kinh tế và đương đầu với Mỹ.
Không nên quá lo
lắng những gì ngoài tầm tay vói. Điều đáng lo lắng nhất là liệu những người
Việt quan tâm đến tự do, dân chủ của đất nước có tầm nhìn, nhận thức và khả
năng để vận dụng các chính sách của chính phủ Trump tại Á Châu nói chung và đối
với Trung Cộng nói riêng có lợi cho cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.
Năm 1990, Bác sĩ
Nguyễn Đan Quế gieo hạt mầm dân chủ bằng "Lời Kêu Gọi của Cao Trào Nhân
Bản" tại Sài Gòn. Khi công bố lá thư, bác sĩ Quế chắc không quan tâm
tổng thống Mỹ là ai. Hai mươi sáu năm sau, qua bao nhiêu bão táp phong ba, hạt
mầm đó chẳng những không chết mà đã thành cây ngày một xanh tươi và cao lớn.
Hôm nay, Việt Nam có hàng trăm phong trào xã hội hoạt động rộng khắp. Ngọn đèn
chính nghĩa mỗi ngày một sáng thêm và bóng tối độc tài một ngày thêm mờ nhạt.
Con đường có thể còn dài nhưng mục tiêu dân chủ và nhân bản chưa bao giờ thấy
rõ hơn hôm nay.
Cuộc đấu tranh
của dân tộc Miến Điện là một ví dụ. Trong cùng tuần lễ này vào năm ngoái, cuộc
bầu cử quốc hội Miến Điện được tổ chức và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ
(National League for Democracy) của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn. Kết quả bầu
cử tốt đẹp kia chính là những bông hoa được tưới bằng máu của nhiều thế hệ Miến
đổ xuống trong suốt mấy mươi năm. Phần lớn trong thời gian đó, các anh hùng dân
chủ Miến đấu tranh trong cô đơn, chết trong âm thầm không quốc tế nào để ý.
Việt Nam cũng
thế. Dân chủ là một tiến trình chứ không phải là một sản phẩm được đóng thùng
gởi từ nước Mỹ. George W. Bush, Barack Obama hay Donald Trump đều không thể
mang dân chủ đến cho Việt Nam mà chỉ có người Việt Nam mới có thể tạo nên nền
dân chủ cho dân tộc mình.
Bức tường độc tài
chuyên chính tại Việt Nam không sụp đổ bằng những cái búa hy vọng sẽ mượn được
của nước ngoài mà bằng những bàn tay nhỏ tiếp tục và kiên nhẫn xoi mòn chế độ.
Trần Trung Đạo
Trần Trung Đạo
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
VC kill in action